fashionista copy
THƯ NGỎ

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Nhà trên phố núi của tôi nằm cạnh ngôi nhà của một người đàn ông tự kỷ. Anh ta sống cùng người mẹ già. Hàng ngày anh ấy dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho mẹ. Hình như công việc của anh ta là đẽo tượng. Người dân trong vùng biết hoàn cảnh anh ta nên lâu lâu người cho khúc gỗ, người cho gốc cây khô. Tượng anh ta làm nhiều nhất là những con cóc rồi đến những bông hoa sen, lâu lâu có khúc gỗ đẹp thì anh ta đẽo tượng thiếu nữ dân tộc.

Tượng rất đẹp nhưng anh ấy không bán vì anh chỉ ở trong khuôn viên vườn và nhà, không giao lưu với bên ngoài. Vài ngày mới có người mua thực phẩm gửi đến. Chi phí hàng tháng của hai mẹ con anh ấy là do những người anh chị em ở nơi khác chu cấp. Ngôi nhà anh ấy đang ở cũng là do vợ chồng người anh trưởng của gia đình xây lên.

Tuy bây giờ anh ấy đã hơn 50 tuổi, gầy gò khắc khổ nhưng nhìn vào dáng dấp và nét mặt vẫn có thể biết anh ta đã từng là một người đẹp trai và rất nghệ sĩ. Những lúc rảnh anh ta thường ngồi đàn ghita và hát.

Chiều nay phố núi se se lạnh, tôi đang trong tâm trạng vừa bị người ta lừa gạt trong kinh doanh nên chán ngán cuộc đời về đây nghỉ dưỡng với tâm tư buồn não nề, bỗng nhiên bắt vào tiếng đàn của anh ta. Anh ta đang hát một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Câu hát trầm buồn “…cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…” của anh ta vô tư, hoang hoải. Anh ta đàn hát trong vô thức, hát chỉ vì thói quen đàn hát, không hát cho ai, không gửi gắm đến ai…

Chính những cái “không” đó lại chạm vào tâm tôi, khiến tôi ngộ ra một điều làm tôi xúc động đến ứa nước mắt. Ừ lạ nhỉ, một thông điệp thật đời được cất lên từ một người tự kỷ sao lại khiến tôi thức tỉnh một cách đặc biệt đến thế.

Trên đường đời này, ai mà chẳng có những lúc gặp phải thất bại. Nhưng cũng trên con đường ta đã từng đi qua, chẳng phải ta cũng đã gặp muôn vàn may mắn thuận lợi đó sao. Vậy thì hà cớ gì mà ta cứ chăm chăm vào những thất bại để mà phẫn chí để mà dằn vặt buồn khổ.

Thân phận đời người chỉ là hữu hạn trong cái vô hạn của cuộc đời. Anh ấy bị tự kỷ, cô đơn, sống khổ hạnh thế mà anh ấy có buồn cuộc đời đâu, cớ sao mình chỉ vì đồng tiền bị mất mà mình lại trở nên sân hận cuộc đời đến mất ăn mất ngủ thế nhỉ.

Cuộc đời con người thật sự dài ngắn bao nhiêu, ta không thể biết. Chỉ biết, mới ngày nào tóc còn xanh như rừng cây nay đã bạc thưa cả mái đầu. Trong cuộc đời ngắn ngủi vội vã này, ai cũng là một lữ khách trên con đường của riêng mình. Và con đường ấy chỉ là đường một chiều, không có chuyện phân vân quay đầu khi phía trước gập ghềnh khúc khuỷu. Cái nghiệt ngã của cuộc đời là ai rồi cũng phải đi đến cuối con đường.

Cuộc đời ngắn thế, nếu chúng ta cứ bận lo toan làm sao cho toàn điều như ý để sống thì chúng ta dễ trở thành người lúc nào cũng đang ở trạng thái chuẩn bị sống mà đến khi rời khỏi cõi đời rồi, cũng chưa bao giờ được sống.

Nhiều khi mải bận rộn kiếm tiền mà ta quên rằng cuộc sống vô thường cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Ta thử nghiệm lại xem có bao giờ ta buồn mãi chưa, và đã bao giờ ta vui mãi chưa? Hiểu thế rồi mà sao ta cứ ôm nỗi trầm buồn khiến tâm can mình héo hon mà mình không hề hay biết…

Cuộc đời ngắn ngủi thế; sao ta không sống trọn vẹn từng phút giây, vui thì cứ vui đi, cần chi phân vân niềm vui này dài bao lâu; buồn thì cứ buồn đi sao phải lo lắng nỗi buồn này đến bao giờ mới trôi qua. Đừng gồng nữa, hãy thả lỏng để sống đi, sống cả với những thuận lợi, sống cả với những khó khăn; sống với những thành công và cả với những thất bại vì “…cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…

Chủ biên

 

 

 

Lương Ngọc Hân