fashionista copy
GƯƠNG MẶT TRẺ

NGUYỄN NGỌC NHƯ HƯƠNG – Niềm đam mê thời trang với ký ức và cúc dại

Sinh năm 1991 tại Thành phố Phan Thiết – Bình Thuận trong một gia đình thương gia giàu tình yêu nghệ thuật và thời trang nên Như Hương có đầy đủ những tố chất của một người sáng tạo. Tuy vậy, cũng như bao người trẻ khác, Như Hương chưa sớm đi theo đam mê thời trang của mình vì cha mẹ cô muốn cô học đại học, ra trường và đi làm.

Tốt nghiệp lớp 12 tại Phan Thiết, Như Hương vào Sài Gòn thi đậu đại học và vào học tại trường đại học danh giá RMIT. Sau 3 năm học, Như Hương tốt nghiệp với bằng Cử nhân chuyên ngành kinh doanh Marketing, Như Hương về làm việc cho một công ty tổ chức sự kiện, phụ trách chuyên mảng marketing và âm nhạc.

Công việc khá thú vị và hợp với sở trường nhưng niềm đam mê thời trang vẫn âm ỉ thôi thúc cô. Nên mới đây, cô đã quyết định du học về chuyên ngành thời trang để xây dựng một cách bài bản sự nghiệp thời trang của mình để biến những ước mơ thành hiện thực.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng cô gái đặc biệt này.

Được biết, Như Hương vừa đạt được một học bổng du học Pháp về quản lý thời trang. Chúc mừng Như Hương được khởi đầu ngành thời trang tại kinh đô thời trang!

Gọi là học bổng cũng chưa đúng đâu, việc du học này chỉ là do em chọn trường và thi với những yêu cầu khắt khe của trường, và em may mắn đậu. Em xin nhận lời chúc mừng vì em đã rất vui khi được đậu vào trường này. Đây là khởi đầu cho việc học quản lý thời trang một cách chuyên nghiệp thì đúng hơn chứ với thời trang thì em đã khởi đầu từ mấy năm nay rồi.

À ra thế, em đã khởi đầu như thế nào?

Bắt đầu chỉ là những ý thích của em. Em muốn có những bộ thời trang cho em và cho một vài người bạn thân, những người cùng gu với em.

Em là người thích sự giản dị, thích sự mềm mại của tơ tằm, thích những mộc mạc của vải cotton. Em cũng thích vẻ đẹp của sợi và của len… Nhưng với những tiêu chuẩn tỉ mỉ, kỹ càng mà những thời trang đại trà không có được.

Sự tỉ mỉ, kỹ càng đó là gì?

Em đặc biệt yêu thích sự tỉ mỉ sự kỹ càng của đường kim mũi chỉ. Với em, một bộ thời trang có phom dáng đẹp bao nhiêu đi nữa mà đường kim mũi chỉ không đẹp, đường nẹp, đường biên không đảm bảo sự êm ái dễ chịu thì vẫn chưa là một bộ thời trang đạt chuẩn. Thí dụ, nếu có vắt sổ thì em chọn loại sợi vắt sổ là sợi cotton chứ không bằng sợi vắt sổ chất liệu nilon. Vì sợi nilon sẽ gây ngứa và rất khó chịu cho người mặc. Chính vì thế các sản phẩm của bên em thường ít khi vắt sổ mà thường chọn phương pháp may lộn, may giấu đường biên để tạo được sự êm ái cho người mặc, tạo sự hoàn mỹ cho sản phẩm.. Làm được điều này không dễ vì thực hiện những công đoạn này phải là những người thợ khéo tay, có kỹ thuật, có kinh nghiệm lâu năm.

Sao em lại chọn tên thương hiệu thời trang của em là Ký ức và Cúc dại?

Vẻ đẹp của hoa cúc là vẻ đẹp giản dị, mộc mạc nhưng tinh tế. Em yêu thời trang từ trong những ký ức. Khi nghĩ về cái tên cho đứa con tinh thần của mình, em muốn gợi nhớ đến một ký ức đẹp, và đúng với hình tượng người phụ nữ mà em thường bị thu hút. Chợt ngay lúc ấy, ký ức về khóm cúc dại hiện lên, trong một lần em chạy bộ tại công viên. Cảm giác phấn chấn đầy hy vọng mà khóm cúc ấy mang lại cho em trong giấy phút đó vẫn tồn tại, vẫn làm cho tim em đập một nhịp mạnh hơn. Mảnh khảnh, bình dị, không phô trương, dấu ấn từ sự tương phản giữa nét giản đơn và nội lực của khóm cúc ấy đã tiếp sức cho em và em nghĩ ngay đến vẻ đẹp sâu trong tâm hồn của những người phụ nữ Việt mà em đã may mắn tiếp xúc. Em yêu ngay cái nhìn ấy và em đã quyết định đánh dấu khoảnh khắc đó bằng cái tên Ký ức và Cúc dại (Flashback & Wild Daisy).

Phong cách chủ đạo của Ký ức và Cúc dại là gì?

Là sự hoà trộn giữa phong cách gợi cảm cổ điển với tinh thần tự tin giản dị của một người phụ nữ hiện đại. Điều đó được thể hiện qua đường cắt mô tả thật điểm mạnh hình thể của người phụ nữ, độ mềm của tơ tằm, độ rũ của viscose, phom dáng tinh tế của tùng xéo cùng đường may khéo léo.

Em sẽ làm gì để khẳng định tài năng và sức sáng tạo của mình?

Hiện tại em tập trung cho việc học. Và em sẽ cho mình một thời gian thả lỏng, hòa mình vào đời sống thời trang ở kinh đô thời trang để có những cảm nhận về phong cách, cảm nhận tất cả những vẻ đẹp của thời trang nơi đây. Em chưa có ý định gì rõ ràng cho bước tiếp theo của Ký ức và Cúc dại nhưng nó luôn nằm trong tâm trí của em. Em để luồng sáng tạo của mình được nuôi dưỡng tại đây rồi nếu một ý tưởng nào cập bến thì em sẽ đón nhận và thử sức tiếp.

Việc đi học chuyên sâu lần này, có phải em muốn tạo ra một hình tượng phụ nữ mới với những bộ trang phục may đo tỉ mỉ, tối giản nhưng pha trộn những phong cách mà họ yêu thích?

Nói đúng hơn là em muốn học cách “lắng nghe” những vị khách nữ một cách tốt hơn. Em chỉ nghĩ, ở tuổi 30 này, yêu thời trang thì đã yêu lâu rồi, bắt tay vào làm thì đã bắt tay vào làm rồi, bây giờ em cần là cần trải qua các khóa đào tạo bài bản về quản lý thời trang. Với riêng em, việc một người ngoại đạo mà gầy dựng thành công một thương hiệu thời trang bài bản, không hẳn là không thể nhưng thu nạp kiến thức chuyên sâu là cách tôn trọng ngành, từ đó thể hiện cái riêng của mình tự tin và bài bản hơn.

 

Ở Việt Nam em đã mở cửa hàng cho Ký ức và Cúc dại chưa?

Em chưa mở tiệm, em mới nhận oder trên online với quy mô nhỏ.

Nếu mở tiệm thì em sẽ mở một tiệm thời trang như thế nào cho Ký ức và Cúc dại?

Sẽ là một tiệm nhỏ thật xinh, thật trang nhã cho những tín đồ yêu sự chỉn chu, tinh tế vì em muốn khơi gợi lại cũng như dẫn dắt những vị khách của mình về tinh thần lạc quan về sự chỉn chu của một sản phẩm Việt, làm ra từ những người thợ tay nghề cao tại Việt Nam. Em rất tự hào về một nhóm nhỏ đã làm việc với em trong suốt quá trình gầy dựng. Từ design, production, rập, may đo, chỉnh sửa, hình ảnh đến social toàn là những người con gái Việt tài giỏi.

Với Ký ức và Cúc dại em có hợp tác với ai hay hãng thời trang nào không?

Bắt đầu từ ý tưởng của em trên trang giấy, em trao đổi với một người bạn thân, bạn em được đào tạo chuyên nghiệp về thiết kế tại Pháp, rồi bạn ấy thực hiện hết tất cả các bản vẽ cũng như hướng đi của tất cả các mẫu thiết kế của Ký ức và Cúc dại. Sau đó, từ may mắn này đến may mắn khác, em được một cô bạn khác đảm nhiệm phần rập (xương cốt của sản phẩm) và một chị thợ lành nghề có nhiều năm trong ngành may thực hiện hết tất cả các sản phẩm. Cuối cùng, tất cả các sản phẩm được thổi hồn dưới góc máy của một cô bạn cực đỉnh trong giới chụp phim. Nhóm em có nhiêu đó thôi ạ.

Em hình dung về việc sau khi kết thúc thời gian học ở Pháp, em sẽ đầu tư và là chủ một hãng thời trang của riêng mình hay sẽ là một quản lý cho một hãng thời trang tên tuổi?

Tương lai của Ký ức và cúc dại em vẫn nuôi nấng, còn việc trở thành quản lý cho một hãng thời trang tên tuổi đó là mục tiêu mà em nhắm tới sau thời gian học tại Pháp, nhưng đó là một chặng đường dài. Hiện tại, em chỉ tập trung cho những việc cần làm ở tương lai gần. Thời trang là một lĩnh vực đặc biệt và hấp dẫn, nhất là những người trẻ như em, bởi tính thời thượng, sáng tạo và sự bay bổng. Nhưng để tồn tại nó cần sự kết hợp chặt chẽ với tính thực tế, sức bền và kiến thức. Vì thế, em luôn dặn lòng làm tốt từng bước ở hiện tại, học cách hoà hợp giữa cảm xúc và quản lý thực tế, từng bước bổ trợ cho ước mơ của mình đến khi nó thành hiện thực.

Cảm ơn Như Hương. Chúc Hương luôn vui khỏe và thực hiện được những dự định của mình.

Bài: THUÝ NGÂN